Không nên xây nhà khi không biết những điều này (P1- Thiết kế)

Không xây nhà khi không biết những điều này (P1-Thiết kế)

Xây dựng SATA khuyên bạn nên chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi xây nhà. Vì xây nhà là một việc hệ trọng cả đời người, xây một ngôi nhà đẹp với chi phí hợp lý chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Các bạn chỉ cần nắm các nội dung sau đây thì bạn có thể có một phần tự tin để lên kế hoạch chi trả cho ngôi nhà của mình.

 

Thiết kế: Hình mẫu nhà phố đẹp 1 trệt 2 lầu 1 tum (nguồn ảnh: ảnh sưu tầm)
  1. Trao đổi về yêu cầu thiết kế. (Không nên vì tiết kiệm 20 – 30 triệu mà bỏ qua tìm đơn vị thiết kế uy tín nhé)

Các bạn hãy cân nhắc khi các bạn đã sẵn sàng chi từ 500 triệu đến 2 tỷ để xây một căn nhà mơ ước của mình. Lý do gì mà bạn lại tiết kiệm vài chục triệu trên tổng số chi phí lớn đến chừng kia. Những lợi ích mà ngôi nhà có thiết kế bài bản mang lại như: bạn có thể hoàn toàn về công năng sử dụng, cách bài trí thông minh theo phong thủy có thể tiết kiệm được năng lượng ánh sáng, gió… Và đặc biệt là đảm bảo ngôi nhà bạn vững chắc với thời gian.

Thiết kế: trao đổi với thiết kế
Thiết kế: trao đổi với thiết kế

Các bạn nên tuân thủ các mẹo nhỏ sau đây khi làm việc với các đơn vị thiết kế:

– Trình bày với đơn vị thiết kế về yêu cầu sử dụng của các tầng, ý tưởng thẩm mỹ của bạn và gia đình, thời gian khởi công, thời gian mong muốn hoàn thành thi công, ngân sách tối đa bạn có thể dành cho ngôi nhà của mình, …;

– Nếu có băn khoăn hay thắc mắc về bất cứ vấn đề gì, hãy trình bày cặn kẽ;

– Nếu có sở thích hay điều tối kỵ nào liên quan đến căn nhà (chẳng hạn vấn đề phong thuỷ như: Hướng đất, hướng nhà, cách bố trí phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ cúng, …) bạn cũng nên thảo luận cùng kiến trúc sư (KTS) ở bước này;

– Sau khi trình bày ý kiến, bạn nên lắng nghe lời khuyên của KTS vì có thể một số yêu cầu sẽ không phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và độ an toàn. Sau đó cùng với KTS hoàn thiện các yêu cầu thiết kế;

Lưu ý:

– Có thể bạn không thể trình bày rõ ràng và đầy đủ các yêu cầu của mình. Nguyên nhân là do bạn không thể hình dung đầy đủ về căn nhà của mình khi chưa có những hình ảnh cụ thể. Vì vậy, bạn nên yêu cầu đơn vị thiết kế cho mình xem một lượt tất cả các hình phối cảnh, xem xét và chỉ ra cho họ kiểu thiết kế bạn yêu thích và từ đó đi vào chi tiết căn nhà phố bạn đã chọn.

– Bạn nên tìm hiểu qua những thuật ngữ xây dựng để có thể đọc hiểu bản vẽ và giao tiếp với đơn vị thiết kế, thi công.

Thiết kế: Hình mẫu nhà phố đẹp 1 trệt 2 lầu 1 tum (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
  1. Khảo sát hiện trạng khu đất

Sau khi tiếp nhận yêu cầu thiết kế, đơn vị thiết kế sẽ tiến hành khảo sát hiện trạng khu đất và lập hồ sơ hiện trạng để phục vụ thiết kế. Các công việc chủ yếu là:

– Khảo sát, kiểm tra hình dáng và kích thước khu đất. Đối với những khu đất có hình dáng đơn giản và thuận tiện cho việc đo vẽ, KTS có thể giúp bạn việc đo vẽ hiện trạng. Tuy nhiên, nếu khu đất phức tạp và khó đo vẽ, bạn sẽ phải thuê một đơn vị khảo sát chuyên nghiệp để đo vẽ bản đồ hiện trạng;

– Khảo sát các công trình, vật kiến trúc xung quanh khu đất, các tuyến đường, lối vào, …

Thiết kế: Nên khảo sát hiện trạng lô đất trước khi thiết kế (Nguồn ảnh: sưu tầm)
  1. Thiết kế phương án sơ bộ

Đây là giai đoạn rất quan trọng, bạn và KTS sẽ thống nhất ý tưởng thiết kế chủ đạo cho căn nhà của mình. Việc thiết kế phương án sơ bộ là sự lặp đi, lặp lại của quá trình sau: KTS thiết kế phương án > Trình bày với bạn > Bạn góp ý, phản biện > KTS giải thích, ghi nhận > KTS điều chỉnh thiết kế > Trình bày với bạn > …

Bạn hãy cố gắng xem xét kỹ lưỡng các đề xuất của KTS. Một KTS giỏi luôn muốn mang lại cho khách hàng những giá trị thẩm mỹ và công năng nhiều hơn những gì khách hàng mong đợi. Đừng sốt ruột khi thấy KTS vẽ khác với ý mình, hãy lắng nghe KTS trình bày, giải thích và giúp họ hiểu cặn kẽ những yêu cầu, sở thích của bạn để họ hoàn thiện phương án thiết kế.

Lưu ý:

– Công việc thiết kế ngôi nhà của bạn thường gồm 2 phần: Thiết kế kiến trúc và Thiết kế nội thất. Một KTS chuyên nghiệp sẽ thực hiện việc thiết kế phương án sơ bộ kiến trúc trước, sau khi bạn thống nhất họ sẽ triển khai đồng thời việc thiết kế chi tiết (thiết kế bản vẽ thi công) phần kiến trúc và thiết kế phương án sơ bộ nội thất. Như vậy, KTS có thể cập nhật các thông số chính xác của phần kiến trúc vào thiết kế sơ bộ nội thất, giúp cho phương án nội thất có tính khả thi và chính xác hơn.

– Hồ sơ thiết kế phương án sơ bộ thường bao gồm phối cảnh và các mặt bằng, có thể có thêm mặt cắt đối với công trình phức tạp.

Thiết kế: Lên phương án thiết kế, sơ bộ công năng các phòng (ảnh nguồn sưu tầm)
  1. Thiết kế xin phép xây dựng

Hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng sẽ được nộp cho cơ quan quản lý xây dựng địa phương cùng với các giấy tờ liên quan tới sở hữu để xin cấp giấy phép xây dựng. Sau khi bạn thống nhất phương án sơ bộ kiến trúc là có thể triển khai lập hồ sơ này.

Lưu ý:

– Thẩm quyền cấp phép xây dựng thuộc về Sở Xây dựng cấp tỉnh, thành phố hoặc Phòng Quản lý xây dựng cấp quận, huyện tùy theo vị trí và quy mô xây dựng công trình;

– Công ty thiết kế phải có pháp nhân và đăng ký kinh doanh phù hợp, cá nhân KTS thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề. Các bản sao có công chứng các giấy tờ trên bạn sẽ phải nộp cho cơ quan cấp phép xây dựng cùng với hồ sơ.

  1. Thiết kế kết cấu

Tất cả các ngôi nhà dù nhỏ hay lớn đều nên có thiết kế kết cấu cho ngôi nhà. Thiết kế kết cấu là nhiệm vụ của các kỹ sư tính toán cho ngôi nhà chịu được lực với các tác động của gió, trọng lượng bản thân, tải trọng khi sử dụng. Nó sẽ mô phỏng gần đúng nhất với sự làm việc của kết cấu của ngôi nhà, giúp ngôi nhà của chúng ta có một “ bộ xương” thật vững chắc.

Hiện nay những đội nhóm thợ bên ngoài có thể làm rất giỏi, rất tốt với kinh nghiệm của họ. Nhưng họ không thể nào biết được sự hoạt động cụ thể của kết cấu ra sao. Hiện nay khoa học công nghệ đã cho phép chúng ta làm được điều đó qua các mô phỏng trực quan bằng các phần mềm như ETABS, SAP…

Thiết kế: Hình phần mềm ETABS tính toán kết cấu nhà phố
  1. Thiết kế bản vẽ thi công

Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (hay còn gọi là hồ sơ thiết kế chi tiết) bao gồm các bản vẽ và dự toán thi công xây dựng là kết quả cuối cùng của quá trình thiết kế. Nguyên tắc của việc thiết kế hồ sơ bản vẽ thi công là phải đảm bảo để có thể thi công công trình theo đúng thiết kế và có thể lập được dự toán thi công xây dựng. Thành phần chính của hồ sơ bao gồm:

– Toàn bộ các bản vẽ mặt bằng các tầng (bao gồm cả mặt bằng lát sàn);

– Toàn bộ các bản vẽ mặt cắt qua nhà, các mặt đứng của nhà;

– Các bản vẽ chi tiết cấu tạo kiến trúc (cầu thang, cửa, khu vệ sinh, ban công, …);

– Các bản vẽ tính toán kết cấu chịu lực của công trình;

– Các bản vẽ hệ thống kỹ thuật công trình (cấp điện và chiếu sáng, cấp thoát nước, thông tin, điều hòa và thông gió, chống sét, …)

– Dự toán thi công xây dựng.

Tất cả hồ sơ phải được đóng gọn gàng theo thứ tự của phần danh mục bản vẽ kèm theo, có chữ ký của các KTS, kỹ sư thiết kế và đóng dấu của công ty thiết kế.

Thiết kế: Có bộ bản vẽ thiết kế đầy đủ sẽ giúp gia chủ có thể hình dung được ngôi nhà của mình như thế nào, có hợp sở thích của mình không (ảnh nguồn sưu tầm)

Lưu ý:

– Một khoản đầu tư nhỏ (khoảng 3% phí thiết kế) để thuê một đơn vị độc lập và có uy tín về chuyên môn thẩm định hồ sơ thiết kế có thể sẽ khiến bạn yên tâm hơn;

– Để đảm bảo cho những chi tiết của thiết kế mà bạn và kiến trúc sư đã thống nhất, bạn có thể sử dụng những minh họa, hình chụp công trình mẫu, hình vẽ 3D để ràng buộc trong hợp đồng với nhà thầu thi công về sau.

Bài viết có tham khảo một số kiến thức ở các trang mạng khác và được chắt lọc để cho bạn có cái nhìn tổng quan nhất.

     Thân mến

Xây Dựng SATA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *